|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển đô thị bền vững

Tốc độ đô thị hóa của Bình Định khá nhanh, đến nay đã đạt 46,3%. Song, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho rằng, còn nhiều vấn đề cần giải quyết để phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa thật sự trở thành 1 trong 5 trụ cột phát triển của tỉnh.

Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70%

• Tỷ lệ đô thị hóa vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 – 2025), nhưng quan trọng là “phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa”, thưa ông?

Giám đốc Sở Xây dựng TRẦN VIẾT BẢO 

– Cần xác định rõ, những yếu tố tác động đến kinh tế đô thị, đó là vị trí của đô thị, quy mô đô thị, vốn đầu tư, thị trường lao động, quy hoạch đô thị, kiến trúc cảnh quan và hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh là “phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa”. Đô thị hóa tỉnh Bình Định được xác định dựa trên nền tảng đô thị xanh, đô thị phát triển bền vững, tiến tới đô thị thông minh trên cơ sở nền tảng số.

Để thực hiện nghị quyết, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, liên kết vùng, kết nối đô thị, tạo không gian phát triển để hình thành những khu đô thị mới. Đó là tuyến đường ven biển từ Quy Nhơn đến Mỹ Thành (Phù Mỹ); đường trục nối khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội với sân bay Phù Cát; hệ thống đường kết nối Đông – Tây ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn – Tuy Phước, đường tránh thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), đường nối An Nhơn – Vân Canh.

Một nguồn lực rất lớn cũng được tỉnh ưu tiên để giải phóng mặt bằng hàng nghìn héc ta để nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Tại KKT Nhơn Hội đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị mới ở phân khu 2, 4, 9 và tiếp tục thực hiện với khu đô thị cửa ngõ Cát Tiến.

• Theo ông, đâu là điểm nhấn của sự thay đổi?

– Tại TP Quy Nhơn, tỉnh và thành phố tiếp tục chỉnh trang đô thị, đầu tư các công trình nhà ở cao tầng, dịch vụ thương mại để phát triển du lịch và dịch vụ; quy hoạch phát triển khu đô thị mới, điển hình là Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, Trung tâm trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ thuộc Tập đoàn FPT. Tại TX An Nhơn, Hoài Nhơn, đã hình thành các khu đô thị mới, tiếp tục đầu tư chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đủ điều kiện nâng cấp đô thị trong tương lai…

Sự đầu tư này đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Trong 3 năm 2021 – 2023, Bình Định vẫn duy trì được tốc độ GRDP bình quân tăng 6,61%/năm, trong đó kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70%. Chất lượng sống tại đô thị từng bước nâng cao khi diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 28,8 m2 sàn/người (nông thôn 26,8 m2 sàn/người); tỷ lệ thất nghiệp và hộ nghèo ngày càng giảm; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH ở khu vực nông thôn lân cận…

Quy hoạch phải đi trước một bước

• Như ông nói, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề…

– Đó là thiếu các mô hình đô thị phát triển bền vững, hiện đại. Hạ tầng đô thị bị quá tải, trong đó có hạ tầng giao thông, nhất là giao thông tĩnh (bến xe, bãi đỗ xe công cộng); thoát nước và xử lý nước thải đô thị (thiếu đồng bộ, nước thải chỉ mới có hệ thống xử lý ở Quy Nhơn); hạ tầng điện, nước, viễn thông…

Tác động của biến đổi khí hậu khiến ngập lụt cục bộ, ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng gay gắt. Tình trạng dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị chậm được đầu tư, dự án “treo” còn phổ biến; hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa… chưa phát triển ngang tầm với kinh tế, đã bộc lộ nhiều hạn chế và hiện đang bị quá tải.

Một trong những nguyên nhân là công tác quy hoạch đô thị tầm nhìn còn ngắn hạn, thực hiện quy hoạch chưa bài bản và quản lý phát triển đô thị có nơi có lúc chưa thực chất, thường chạy theo bề nổi; chẳng hạn xây dựng nhiều khu công nghiệp (KCN), khu đô thị mới, khu vui chơi giải trí… mà ít chú ý đến quy hoạch cải tạo và chỉnh trang các khu đô thị đang có. Việc thiếu nguồn lực và đầu tư dàn trải khiến cho tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật đô thị bị phá vỡ. Trong khi đó, tính chuyên nghiệp về quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh…

• Vậy, giải pháp nào để giải quyết những vấn đề trên?

– Để có một hệ thống đô thị phát triển bền vững, cần có sự tham gia đầy đủ của các cấp, ngành, đồng thời huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể hướng tới phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Trong quá trình đó, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, cần có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch và đầu tư thích đáng mới tạo ra nguồn lực tối ưu.

Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần triển khai có hiệu quả Kế hoạch 3385/QĐ-UBND của tỉnh thực hiện Chương trình hành động 21-CTr/TU của Tỉnh ủy về triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW. Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị hiệu lực, hiệu quả, quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị.

Ưu tiên đầu tư khu, cụm công nghiệp, cảng biển

• Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định kinh tế đô thị sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, vậy tỉnh đã có sự chuẩn bị ra sao, thưa ông?

– UBND tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để làm cơ sở triển khai quy hoạch tỉnh. Ngoài những nhiệm vụ chung, kế hoạch cũng xác định các đô thị là cực tăng trưởng, là động lực cho phát triển KT-XH của địa phương và phân vùng KT-XH của tỉnh. Kinh tế đô thị sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, cụ thể năm 2025 chiếm 75% và năm 2030 chiếm trên 85%.

Trước mắt, ưu tiên đầu tư các KCN, Cụm công nghiệp (CCN) tại các đô thị dự kiến mở rộng như KCN, đô thị, dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; các KCN, CCN tại Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư hệ thống cảng biển nước sâu tại Phù Mỹ, Hoài Nhơn để khắc phục hạn chế của cảng Quy Nhơn hiện hữu; đầu tư nâng cấp sân bay Phù Cát đủ điều kiện thực hiện đường bay quốc tế. Phối hợp với tỉnh Gia Lai đề xuất Chính phủ cho chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku để tăng kết nối vùng. Thu hút đầu tư các khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển từ Phù Cát đến Phù Mỹ…

Để có cơ sở triển khai những dự án lớn, ngay năm 2024, các địa phương, ngành phải triển khai điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Đây là những tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện quy hoạch trong thời gian tới.  


Tác giả: MAI HOÀNG
Nguồn:binhdinh.vietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật