|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiều mai siêu bão Wutip đổ bộ vào miền Trung

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sớm nhất khoảng 15-16h, muộn thì 22-23h ngày mai bão sẽ đi vào đất liền.

Dự báo đường đi của bão. Ảnh: nchmf.


"Trước khi đổ bộ, bão mạnh trên cấp 13. Bão Wutip mạnh không thua gì bão Xangsane đổ bộ vào miền Trung ngày 1/10/2006. Trọng tâm bão đổ bộ nhiều khả năng là Quảng Bình, Quảng Trị, nhưng Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế cũng phải hết sức đề phòng", ông Tăng nói và cho biết khi vào bờ, bão suy giảm nhưng vẫn còn rất mạnh, vì vậy việc phòng chống phải hoàn thành trước 10h sáng mai. 

 

Trưa nay, tâm bão ở trên khu vực quần đảo Hoàng Sa với sức gió tối đa 149 km/h (cấp 13). Đến trưa mai, tâm bão trên vùng biển khu vực các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên Huế với sức gió tương đương. Tiếp đó, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, vận tốc 15-20 km/h và đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sau đó bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 

 

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ chiều 29/9 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 cấp 7, rồi tăng lên cấp 10, cấp 11. Đến sáng mai, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 7 cấp 8, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm nay có mưa. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét. 

 

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, 24 giờ tới bão chưa có khả năng ảnh hưởng đến khu vực này.

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương trưa 29/9, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động các lực lượng cần thiết để chủ động đối phó với cơn bão, thực hiện việc neo đậu, chằng chống kỹ tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa; không để người ở lại tàu thuyền khi bão đổ bộ.

 

Phó thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng chú ý đến các trường hợp chủ quan, cố tình di chuyển, không thực hiện các lệnh cấm giao thông ở các vùng nguy hiểm, khe suối, đập tràn, đồng thời, kiểm tra an toàn đập, công trình thi công, đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả cắt lũ.

 

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương kêu gọi các tàu đang hoạt động vào bờ trú bão an toàn.

 

"Với cường độ bão ở cấp 10, nếu ngư dân bám trụ lại trên biển thì chắc chắn tàu sẽ bị vỡ hoặc đắm, chìm. Vì vậy đề nghị các địa phương cần phối hợp không để tàu ở ngoài biển mà cần vào bờ ngay để trú bão an toàn", ông Phát nói.

 

Trưởng ban chỉ đạo cũng yêu cầu các tỉnh sơ tán dân ở vùng nguy hiểm trước 10h sáng mai, thực hiện công tác neo đậu lồng bè. Nơi nào có bão đi qua, địa phương cần bố trí lực lượng dân quân kiên quyết ngăn chặn người qua lại. Bên cạnh đó, các địa phương cần theo dõi sát cơn bão và có biện pháp bảo vệ cây trồng vụ đông.

 

Theo báo cáo hôm nay của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đến 6h sáng nay, Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 phương tiện, với 254.660 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

 

Theo VNE

 


Tin nổi bật Tin nổi bật