|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nước Mặn-Bình Định là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ

Biên phòng - “Trên cơ sở những chứng cứ hiện nay, có thể kết luận, chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai đã ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn (Bình Định), Hội An và Thanh Chiêm (Quảng Nam), trong đó, Nước Mặn có phần sớm hơn. Đó là ba dòng suối sớm nhất hình thành nên dòng sông chữ Quốc ngữ”. Đó là khẳng định của Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tại Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ năm 2016.

Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc triển lãm tài liệu lưu trữ về sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định từ ngày 5/4 đến ngày 30/6. Ảnh: Hoàng Trọng

Với mục đích tôn vinh nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, từ ngày 5/4 đến ngày 30/6, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định (thành phố Quy Nhơn) tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ về sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định. Triển lãm gồm 4 chủ đề chính: Vai trò chữ Quốc ngữ tại Việt Nam, Bình Định trong dòng phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ, quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ tại Bình Định, phát huy giá trị di sản văn hóa hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định.

Theo ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, vùng đất Bình Định không chỉ có bề dày về truyền thống lịch sử - văn hóa với nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, mà còn là nơi có ảnh hưởng quan trọng, chủ đạo trong giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XVII.

Với hơn 100 tư liệu, tài liệu, hình ảnh trưng bày tại triển lãm cho thấy, cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, từ đầu thế kỷ XVII cho đến nay, chữ Quốc ngữ đã được phôi thai, hình thành, không ngừng phát triển và hoàn thiện, trở thành phương tiện hữu hiệu, góp phần tạo nên thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, chữ Quốc ngữ tiếp tục phát huy vai trò là Quốc văn để tiến đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong tiến trình lịch sử ấy, không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của mảnh đất và con người Bình Định trong quá trình phôi thai, hình thành, phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ.

Qua các tài liệu lịch sử, cảng thị Nước Mặn là nơi ghi dấu ấn quan trọng cho sự phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ những năm đầu thế kỷ XVII (1618 - 1625). Đô thị nước Mặn (nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) nằm bên đầm Thị Nại của thủ phủ Quy Nhơn, được hình thành vào thế kỷ XVI, phát triển đỉnh cao vào thế kỷ XVII. Nơi đây, thuyền buồm phương Tây và các nước Đông Nam Á ra vào buôn bán tấp nập. Đây cũng là nơi đóng bản doanh của giáo phái các thừa sai Dòng Tên truyền giáo của xứ Đàng Trong đầu thế kỷ XVII.

Theo tư liệu ghi chép và các bản tường trình của các giáo sĩ phương Tây (hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia), dưới sự bảo trợ của khám lý Trần Đức Hòa, các giáo sĩ Buzomi, Pina, Borri đã đến thành lập cơ sở Nước Mặn để truyền giáo, họ là những người đầu tiên dùng ký tự Latin để ghi lại tiếng việt và phôi thai khởi nguyên hình thành nên chữ Quốc ngữ tại đây. Đến năm 1651, bằng việc kế thừa và phát triển các ký âm tiếng Việt của các giáo sĩ phương Tây đi trước, Alexandre de Rhodes (1591-1660) đã xuất bản cuốn từ điển Việt - Bồ -La tại Roma, đánh dấu mốc sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở trạng thái sơ khai.

Bên cạnh đó, tại Bình Định còn có nhà in Làng Sông được đặt tại Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), là một trong ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam (cùng Nhà in Nhà Chung - Sài Gòn và Nhà in Kẻ Vĩnh - Hà Nội) đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Trong năm 1922, Nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng Báo Lời thăm mỗi tháng hai số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của Nhà in Làng Sông trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in. Ngoài sách tiếng Latin và tiếng Pháp, Nhà in Làng Sông đã in một lượng lớn sách Quốc ngữ đa dạng về các thể loại như: Giáo lý, kinh thánh, giáo dục ấu học, trung học, truyện, tiểu thuyết, kịch, tạp chí, tuồng, lịch, sách dịch...

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đang triển khai lập thiết kế quy hoạch xây dựng, tôn tạo Khu di tích Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, di tích độc đáo, riêng có của Bình Định.


Tác giả: Ái Trinh
Nguồn:bienphong.com.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật