A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn và phát huy giá trị nhà lá mái Bình Ðịnh

Tại Tọa đàm “Ðặc trưng nhà lá mái Bình Ðịnh và hướng bảo tồn, phát huy di sản” do Hội VHNT tỉnh phối hợp Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phân tích, thảo luận làm rõ thêm nét đặc trưng của nhà lá mái Bình Ðịnh, đề xuất nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Nét riêng của nhà lá mái Bình Định

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, chưa có tài liệu nào ghi rõ nhà lá mái Bình Định có từ bao giờ. Tuy nhiên, trong tác phẩm Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong của linh mục dòng Tên người Ý Cristofolo Borri viết phần nhiều về Nước Mặn, phủ Qui Nhơn, có ghi chép về kỹ thuật kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Bình Định - nhà lá mái. Năm 1934, nhà địa lý học nhân văn Pierre Gourou người Pháp khảo sát các ngôi nhà Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định và viết tác phẩm Phác thảo nghiên cứu nhà ở Việt Nam, tập sách xuất bản tại Paris năm 1936, ông nhận xét: “Đến phía Nam phá An Khê và dãy Sa Huỳnh chúng ta vào hẳn Bình Định. Trừ những chiếc lều không có hình dạng, tất cả các nhà đều thuộc loại hình mới…”, đó chính là loại hình nhà lá mái.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, so với các kiểu nhà cổ dân gian ở các địa phương khác, nhà lá mái Bình Định mang nét văn hóa vùng miền khá đặc biệt, có phần khác so với nhà rường Huế và nhà cổ Nam bộ.

Không gian nhà lá mái ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (ngôi nhà này đã được chủ nhân tôn tạo, thay đổi khá nhiều để bảo vệ, như: Có thêm lớp tường gạch bao ngoài, ngói đất nung thay cho lớp mái 2 tầng như truyền thống). Ảnh: NGỌC NHUẬN

Nhà lá mái Bình Định có cấu trúc nhà hai tầng mái, cả hai mái tranh/rạ và mái đất đều được chống đỡ bởi hệ thống kèo có độ dốc khá lớn, đặc biệt là độ dốc của mái trên lợp bằng tranh/rạ, mái dưới được đắp bằng đất dày khoảng 15 - 25 cm. Cấu trúc khuôn viên của nhà lá mái Bình Định gồm có nhà chính, nhà cầu, nhà bông, nhà lẫm… tạo nên không gian sống thân thiện môi trường, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Cung cấp thêm thông tin về không gian nhà lá mái Bình Định mang dấu ấn văn hóa Việt - Chăm, nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Dự, Giảng viên Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh, phỏng đoán: Nhà lá mái của người Việt có nhiều nét tương đồng với nhà ở của người Chăm, đặc biệt là về kết cấu, vật liệu xây dựng, các gian nhà có chức năng tương tự nhau: Nhà chính (tương tự nhà tục của người Chăm), nhà cầu (nghĩa là cầu nối, giống nhà bên của người Chăm), nhà bông (như nhà khách của người Chăm), nhà lẫm (như nhà chứa lúa của người Chăm)…

Cần bảo tồn nhà lá mái

Tại tọa đàm, để làm rõ thêm một số ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề nhà lá mái là loại nhà dành cho đối tượng nào, người nghèo hay người giàu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha ý kiến: “Nhà lá mái là kiểu nhà chung, phổ biến trong dân gian Bình Định ngày xưa, không dành riêng cho giai cấp, nhóm đối tượng nào. Người có điều kiện nào thì xây nhà kiểu nấy. Người có điều kiện kinh tế tốt sẽ xây nhà bề thế, sử dụng các loại gỗ tốt, đầy đủ các gian/khu công năng; ngược lại người có điều kiện vừa phải dựng ngôi nhà với loại gỗ thường, số gian chái ít lại...

Theo ông Nguyễn An Pha, nếu nhà lá mái mất đi là Bình Định sẽ mất đi một giá trị văn hóa đặc trưng Bình Định. Do đó, tỉnh cần sớm có định hướng nghiên cứu, khảo sát và bảo tồn, gắn với khai thác phát triển du lịch văn hóa. Cần có chính sách hỗ trợ chủ nhân của những ngôi nhà lá mái trên địa bàn tỉnh tu sửa, mỗi huyện có thể chọn 1 - 2 ngôi nhà lá mái để bảo tồn; cũng như tỉnh có thể phục dựng một ngôi nhà lá mái tại Bảo tàng Quang Trung để phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu...

Năm 2004, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Trường ĐH Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu và bảo tồn các kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam tại Bình Định”. Theo đó, Cục Di sản văn hóa đã phối hợp Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng tỉnh tổ chức khảo sát, điều tra 350 ngôi nhà lá mái Bình Định. Sau đó, chọn 35/350 nhà lá mái còn tương đối tốt để lập biểu mẫu điều tra chi tiết kiến trúc và đo vẽ bản vẽ mặt bằng tổng thể; mặt đứng, mặt bằng, mặt cắt ngang kiến trúc; chi tiết điêu khắc trang trí, kết cấu kiến trúc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang chia sẻ: “Nhà lá mái Bình Định là một kiểu nhà vườn nông thôn, đã tồn tại trên dưới 200 năm. Sau cuộc khảo sát, điều tra về nhà lá mái từ năm 2004, cho đến nay ở Bình Định chưa có một cuộc khảo sát, đánh giá nào về di sản nhà lá mái. Trong khi đó, do nhiều tác động, những ngôi nhà lá mái ở Bình Định đã dần mai một. Chúng ta đang hướng tới bảo tồn các di sản văn hóa, nhưng thường nghiêng hẳn vào các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh có tính cộng đồng cao và gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, các lễ nghi hằng năm, như đình, chùa, đền, miếu…, còn nhà cổ dân gian truyền thống nói chung và nhà lá mái Bình Định nói riêng là loại hình di sản sở hữu tư nhân ít được quan tâm”.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa nông thôn ngày càng nhanh, hàng loạt cảnh quan, công trình kiến trúc truyền thống bị biến dạng và có nguy cơ mất đi, những ngôi nhà lá mái Bình Định ngày một hư nát nhiều, buổi tọa đàm đã gợi ra nhiều vấn đề, qua đó đề xuất hướng bảo tồn nhà lá mái trên quê hương Bình Định.

Nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, chia sẻ: “Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều tư liệu, cùng những ý kiến hữu ích xoay quanh chủ đề tọa đàm gợi mở, là cơ sở để Hội VHNT tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, các cơ quan liên quan nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà lá mái Bình Định”.


Tác giả: ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật